TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: HOÀNG THỊ GIANG
1.Tên luận án: Tạo thể lai mang gen kháng bệnh mốc sương bằng dung hợp tế bào trần giữa khoai tây dại và khoai tây trồng
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2011
Năm tốt nghiệp 0
Chuyên ngành: Di truyền và chọn giống cây trồng
Mã số: 62 62 01 11
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: GS.TS. Nguyễn Quang Thạch, TS. Ramona Thieme
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Mục tiêu của luận án là xác định được các thông số để tách, dung hợp, nuôi cấy tái sinh tế bào trần giữa các loài khoai tây dại nhị bội và các giống khoai tây trồn; tạo được các con lai soma bằng dung hợp tế bào trần giữa các loài khoai tây dại nhị bội với các giống khoai tây trồng tứ bội và tạo các con lai lại (backcross) giữa các con lai soma với các giống khoai tây trồng tứ bội, đây là nguồn vật liệu di truyền khoai tây mang gen kháng và có đặc điểm nông sinh học phù hợp phục vụ phát triển giống khoai tây kháng bệnh mốc sương ở Việt Nam.
Nghiên cứu đã tiến hành dung hợp tế bào trần giữa các dòng khoai tây dại có đặc tính kháng bệnh mốc sương với các giống khoai tây trồng trọt. Sử dụng phương pháp đo độ bội Flow cytometry và phân tích bằng chỉ thị phân tử SSR để xác định chính xác các con lai soma có kiểu gen dị nhân, lục bội (2n=6x=72). Nghiên cứu đã sử dụng một hệ thống các phương pháp đánh giá tính kháng bệnh mốc sương bao gồm phương pháp lây nhiễm trên lá đơn tách rời, trên lát cắt củ, trên đồng ruộng và phương pháp đánh giá sự có mặt của gen kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử để chọn lọc ra những con lai soma mang khả năng kháng bệnh mốc sương. Các con lai này tiếp tục được đánh giá các tính trạng nông sinh học và lai trở lại với khoai tây tây trồng để chọn lọc được nguồn vật liệu kháng bệnh mốc sương và mang các tính trạng nông sinh học quý.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Đây là một nghiên cứu có tính khoa học chuyên sâu về di truyền chọn giống cây trồng. Đề tài cũng là một bước phát triển kỹ thuật cao của công nghệ tế bào thực vật (kỹ thuật dung hợp tế bào trần) trong tạo giống khoai tây. Đề tài đã chứng minh khả năng chuyển được tính kháng bệnh mốc sương từ các loài khoai tây dại sang các giống khoai tây trồng thông qua dung hợp tế bào trần và ứng dụng thành công kết quả này trong chọn tạo các giống khoai tây trồng kháng các loại bệnh quan trọng. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong nghiên cứu phù hợp từ lai soma bằng dung hợp tế bào trần, tái sinh cây sau dung hợp, nhận biết độ bội, kiểm tra khả năng kháng bệnh dựa trên lây nhiễm nhân tạo và chỉ thị phân tử, lai trở lại với khoai tây trồng để lấy lại nền di truyền có năng suất và chất lượng tốt. Đây là những phương pháp chuẩn mực và thông dụng trên thế giới, có ý nghĩa khoa học sâu sắc khi lai xa khác loài ở khoai tây.