TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: NGUYỄN VĂN MƯỜI
1.Tên luận án: Nghiên cứu gây tạo các dòng bố mẹ thơm ứng dụng cho chọn tạo giống lúa lai hai dòng chất lượng cao
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2009
Năm tốt nghiệp 2016
Chuyên ngành: Di truyền và Chọn giống cây trồng
Mã số: 62.62.01.11
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Từ các nguồn vật liệu ban đầu T1S-96; T7S và T23S (các dòng TGMS) lai đơn với các giống lúa thơm cải tiến (Hương cốm, Bắc thơm 7, Basmati, Hoa sữa), ứng dụng chỉ thị phân tử (MAS) để sàng lọc các cá thể mang gen tms và gen fgr. Đánh giá biểu hiện di truyền một số tính trạng liên quan đến chất lượng gạo từ bố mẹ đến con cái (F1, F2) bằng phương pháp lai giữa các dòng có tính trạng đối lập nhau. Tiến hành lai đỉnh 6 giữa dòng TGMS với 5 dòng R đã tạo được 30 tổ hợp lai. Đánh giá đặc điểm nông sinh học, năng suất và chất lượng của các tổ hợp lai mới. Đánh giá khả năng kết hợp của các dòng bố mẹ và tuyển chọn tổ hợp lai triển vọng. Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm xây dựng qui trình nhân dòng mẹ và sản xuất hạt lai F1.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
- Chọn tạo dòng bất dục mới bằng phương pháp lai, chọn lọc cá thể và chọn lọc nhờ chỉ thị phân tử (MAS). Đề tài đã sử dụng 3 dòng TGMS (T1S-96; T7S; T23S) lai với các dòng giống lúa thơm cải tiến để tạo dòng TGMS có chất lượng gạo tốt và có mùi thơm. Kết quả đã xác định được các dòng TGMS nghiên cứu có mang gen bất dục đực mẫn cảm với nhiệt độ là gen tms2 và tms5. Các dòng TGMS mới chọn tạo có mang gen qui định tính thơm (fgr).
- Đánh giá biểu hiện di truyền một số tính trạng chất lượng từ bố mẹ sang con cái nhận thấy: Chiều dài hạt gạo dài biểu hiện di truyền cộng tính đến trội dương theo bố/mẹ có hạt dài hơn; Tỷ lệ gạo xát và tỷ lệ gạo nguyên cao biểu hiện siêu trội dương theo bố/mẹ có tỷ lệ gạo xát và tỷ lệ gạo nguyên cao hơn; Hàm lượng protein trong hạt gạo lai biểu hiện trội âm đến siêu trội âm theo bố/mẹ có hàm lượng protein thấp, nghĩa là tính trạng này bị suy giảm do lai; Hàm lượng amylose biểu hiện trung gian đến trội dương theo bố mẹ có hàm lượng amylose cao, vì vậy muốn tạo giống lai có hàm lượng amylose thấp, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng cần chọn bố/mẹ có có hàm lượng amylose thấp (từ 15-20%); Hương thơm trong lô hạt gạo lai không đồng đều do phân ly, độ thơm chịu ảnh hưởng của dòng mẹ nhiều hơn dòng bố, vì vậy chọn tạo dòng mẹ thơm chất lượng cao là hướng đi đúng trong chọn giống lúa lai hai dòng.