TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: MAI THỊ HUYỀN
1.Tên luận án: Nghiên cứu rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm tỉnh Bắc Giang
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2011
Năm tốt nghiệp 2017
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 62 31 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1. PGS.TS Phạm Văn Hùng; 2. PGS.TS Bùi Bằng Đoàn
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Bắc Giang là tỉnh có tổng đàn gia cầm cao nhất vùng trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ tư toàn quốc, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách quản lý rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro về dịch bệnh, con giống, kỹ thuật, giá đầu vào, giá đầu ra không ổn định. Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro cho hộ chăn nuôi gia cầm, từ việc đánh giá thực trạng rủi ro, quản lý và ứng xử với rủi ro, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm của hộ nông dân tỉnh Bắc Giang, trong luận án đã trình bày hệ thống các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm cho hộ nông dân tỉnh Bắc Giang. Hệ thống các giải pháp được chia ra hai nhóm, trong đó đối với hộ chăn nuôi gồm ba giải pháp, còn đối với cơ quan quản lý gồm 6 giải pháp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Đề tài Luận án đã luận giải, làm sáng tỏ và phát triển lý luận về rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm, đã phân tích được khái niệm, phân loại được rủi ro, quản lý và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm, chỉ rõ được các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro trong chăn nuôi gia cầm. Dựa trên lý thuyết đã xây dựng được khung phân tích làm cơ sở để nghiên cứu, đánh giá rủi ro.
Đề tài Luận án cũng đã đánh giá được thực trạng rủi ro, quản lý và ứng xử với rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm của hộ chăn nuôi tỉnh Bắc Giang theo chiến lược: phòng tránh rủi ro, chia sẻ rủi ro và đối mặt rủi ro. Từ việc phân tích các chính sách quản lý và ứng xử với rủi ro của hộ, Đề tài đã chỉ rõ hạn chế về quản lý rủi ro trong chăn nuôi gia cầm.
Trong Luận án, các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm bao gồm 5 nhóm là nguồn lực SX của hộ nông dân; Phương thức tổ chức SX; Công tác quản lý ngành chăn nuôi; Điều kiện tự nhiên, môi trường; Yêu cầu về chất lượng sản phẩm và thức ăn chăn nuôi. Một số yếu tố có thể làm giảm rủi ro trong chăn nuôi gia cầm như nâng cao trình độ của chủ hộ, xử lý phòng bệnh cho con giống, sự tham gia tập huấn kỹ thuật của hộ hay diện tích canh tác của hộ được tăng lên.
Luận án đã đề xuất được hệ thống giải pháp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ gia cầm, trọng tâm là quy hoạch và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh theo hướng an toàn sinh học.